Kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực
I. Kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực
1. Giới thiệu về Bình chịu áp lực
Bình chịu áp lực hay thiết bị áp lực là thiết bị tiến hành các quá trình nhiệt học, hóa học hoặc là bình chứa dạng kín dùng để chứa chất lỏng, khí, khí hóa lỏng, hóa chất…. Áp suất trong thiết bị luôn cao hơn áp suất bên ngoài khí quyển. Hiện nay bình chịu áp lực được sử dụng nhiều trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Bình áp lực là một trong những thiết bị tiềm ẩn gây tai nạn lao động rất cao trong quá trình vận hành, sản xuất gây hiệu quả nghiêm trọng cho tổ chức, doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc kiểm định an toàn bình chịu áp hết sức quan trọng và cần thiết giúp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của công ty.
2. Kiểm định bình chịu áp lực là gì?
Kiểm định an toàn bình chịu áp lực là hoạt động kiểm tra, thử nghiệm, phân tích, đánh giá sự phù hợp tính trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị với những tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành nhằm đảm bảo an toàn khi vận hành thiết bị.
Bình chịu áp lực được quy định bắt buộc phải kiểm định an toàn kỹ thuật theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh Xã hội ban hành về yêu cầu nghiêm ngặt an toàn, vệ sinh lao động đối với các loại máy, thiết bị, vật tư, máy móc.
3. Tại sao phải kiểm định thiết bị?
Khi sử dụng bình chịu áp lực các sự cố có thể xuất hiện trong quá trình làm việc như: nổ lực, điện giật, nổ cháy môi chất, rò rỉ môi chất độc trong bình… Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thì thiết bị phải được kiểm định định kỳ nhằm:
- Kịp thời phát hiện hỏng hóc để ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
- Đảm bảo an toàn cho người lao động, phòng tránh tai nạn lao động.
- Đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của thiết bị, không làm giảm năng suất và thời gian làm việc.
- giảm chi phí sửa chữa, thay mới thiết bị; không phải chi trả phí do người lao động gặp tai nạn khi làm việc với thiết bị.
- Chấp hành và tuân thủ đúng quy định của pháp luật chính là doanh nghiệp đang tự nâng cao uy tín đối với khách hàng.
4. Các hình thức kiểm định thiết bị
Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu:
- Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của bình theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng lần đầu.
Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ:
- Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của bình theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn khi hết thời hạn của lần kiểm định trước.
Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường:
Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của bình theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn khi:
- Sau khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo có ảnh hưởng tới tình trạng kỹ thuật an toàn của bình;
- Khi sử dụng lại các bình đã nghỉ hoạt động từ 12 tháng trở lên;
- Sau khi thay đổi vị trí lắp đặt (đối với bình cố định);
- Khi có yêu cầu của cơ sở hoặc cơ quan có thẩm quyền.
II. Quy trình kiểm định an toàn bình chịu áp lực
1. Các bước kiểm định thiết bị
Khi kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực, tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn phải thực hiện lần lượt theo các bước được quy định tại QTKĐ 07-2016/BLĐTBXH như sau:
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ, lý lịch bình chịu áp lực;
- Hồ sơ thiết kế thiết bị, xuất sưởng;
- Nhật ký bận hành, bảo trì, sửa chưa;
- Hồ sơ kiểm định lần trước( nếu thiết bị đã được kiểm định trước đó).
Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài, bên trong;
- Kiểm tra các khuyết tật ăn mòn trên bề mặt kim loại, các biến dạng hình học.
- Xem xét tình trạng kỹ thuật của lớp bảo ôn, cách nhiệt (nếu có)
- Kiểm tra khuyết tật kim loại, mối hàn bằng các phương pháp siêu âm, chụp phim, thẩm thấu, bột từ.
Bước 3: Kiểm tra kỹ thuật thử nghiệm;
- Thử bền: Thời hạn thử bền của bình chịu áp lực không quá 6 năm/lần và phải tiến hành thử bền với các yêu cầu được quy định tại QTKĐ:07-2016/BLĐTBXH
- Thử kín: Chỉ áp dụng khi công nghệ đòi hỏi, bình làm việc với các môi chất độc hại, dễ cháy nổ hoặc theo yêu cầu của nhà chế tạo.
Bước 4: Kiểm tra vận hành;
- Kết nối các thiết bị phụ trợ, cơ cấu an toàn… vận hành thiết bị ở áp suất làm việc cho phép.
Bước 5: Xử lý kết quả kiểm định.
- Lập biên bản kiểm định bình áp lực theo mẫu quy định
- Lập biên bản kiến nghị, khắc phục (nếu có)
- Dán tem kiểm định, thông qua biên bản kiểm tra và ban hành kết quả kiểm định bình chịu áp lực.
Lưu ý: Quy trình này không áp dụng cho các loại chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan, tích số giữa dung tích (tính bằng lít) và áp suất (tính bằng bar) không quá 200, bình có dung tích nhỏ hơn 25 lít.
2. Thời hạn kiểm định
- Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 03 năm. Đối với các bình chứa môi chất ăn mòn kim loại, cháy nổ và các bình đã sử dụng trên 12 năm thì thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 02 năm.
- Đối với các bình chứa môi chất ăn mòn kim loại, cháy nổ đã sử dụng trên 12 năm và các bình đã sử dụng trên 24 năm thì thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 01 năm.
3. Quy chuẩn, Tiêu chuẩn áp dụng
STT | Tên văn bản |
1 | QCVN 01:2008 – BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực; |
2 | TCVN 8366:2010 – Bình chịu áp lực – Yêu cầu kỹ thuật an toàn về thiết kế, kết cấu, chế tạo; |
3 | TCVN 6155:1996 – Bình chịu áp lực – Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa; |
4 | TCVN 6156:1996 – Bình chịu áp lực – Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, phương pháp thử; |
5 | TCVN 6008:2010 – Thiết bị áp lực – Mối hàn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra. |
III. Chi phí kiểm định bình chịu áp lực
Chi phí dịch vụ kiểm định bình chịu áp lực được Nhà nước quy định mức phí tối thiểu theo thông tư số 41/TT/2016/BLĐTBXH dựa vào dung tích của bình chịu áp lực. Tuy nhiên, tùy vào thiết bị, tuổi đời bình áp lực và khối lượng công việc mà tổ chức kiểm định báo giá dịch vụ hợp lý nhất cho doanh nghiệp thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với bình chịu áp.